Cuộc đời Thân_Đam

Thân Đam quê ở quận Hán Trung, sau phân chia thành thành quận Thượng Dung[1], Ích Châu, vốn là hào cường trong huyện.

Thân Đam cùng mấy nhà cường hào ở các huyện Tây Bình, Thượng Dung thuộc quận Hán Trung âm thầm liên kết, thần phục Trương Lỗ, cấu kết chặt chẽ. Về sau, Thân Đam sai sứ giả đến bái kiến Tào Tháo, được Tào Tháo phong làm tướng quân, Thương Dung đô úy. Năm 215, Tào Tháo bình định Hán Trung, chia quận Hán Trung thành các quận Hán Trung, Thượng Dung, Phòng Lăng, Tây Thành. Thân Đam được phong làm thái thú Thượng Dung, tước Viên hương hầu.[2]

Năm 219, Lưu Bị đánh bại Tào Tháo ở Hán Trung, cấp tốc thu phục các huyện cũ, sai Mạnh Đạt từ Tỉ Quy hướng bắc tấn công các quận phía đông. Mạnh Đạt chém thái thú Phòng Lăng là Khoái Kỳ[3] tại trận, chiếm được Phòng Lăng, uy hiếp Thượng Dung. Lưu Bị lại phái Lưu Phong dẫn quân đến kiềm chế Mạnh Đạt.[2]

Hai quân bao vây, Thân Đam bèn mở thành đầu hàng, đem vợ con cùng tông tộc di chuyển tới Thành Đô làm con tin. Lưu Bị phong Đam làm Chinh Bắc tướng quân, giữ nguyên tước Viên hương hầu, vẫn làm thái thú như cũ, lại phong em trai của Đam là Thân Nghi làm Kiến Tín tướng quân, giữ chức thái thú Tây Thành.[2]

Năm 219, Quan Vũ trên đường bắc phạt bị quân Đông Ngô đánh lén, bị Tôn Quyền xử chém. Khi đó Quan Vũ nhiều lần gửi thư cầu viện, nhưng Mạnh Đạt lại khuyên Lưu Phong không dẫn quân cứu viện. Năm 220, Mạnh Đạt cùng Lưu Phong bất hòa, hai người trở mặt. Mạnh Đạt lo sợ bị kết tội bỏ mặc Quan Vũ, dẫn bộ hạ hàng Ngụy, lại cấu kết với Thân Nghi đánh tan quân Lưu Phong, bức Lưu Phong chạy về Thành Đô.[2]

Thân Đam rơi vào đường cùng, đành phải đầu hàng. Bởi vì Thân Đam đầu hàng trong tình thế bất đắc dĩ, Tào Phi cho rằng không thật lòng, tước đoạt quân quyền của Đam, đem tước vị Viên hương hầu ban cho Thân Nghi. Đam được phong hiệu Hoài tập tướng quân, giam lỏng ở Nam Dương đến lúc chết.[2] Năm 228, Mạnh Đạt nổi dậy thất bại, hối hận ngày trước hại chết Lưu Phong, Thân Đam.[4]